Nhân lúc có một loạt bài báo về phấn rôm em bé gây ung thư và con về quê chơi với ông bà nên mình mới có thời gian để ngồi dịch và tổng hợp lại một cách chi tiết và đầy đủ về bột Talc– thành phần chính có trong phấn rôm em bé và một số sản phẩm trang điểm của phụ nữ chúng mình như phấn phủ, phấn mắt, phấn má…
Bột Talcum được nghiền mịn từ quặng Talc- một khoáng chất được tạo thành chủ yếu từ các nguyên tố magiê, silicon và oxy có trong tự nhiên. Bột Talc có tác dụng hấp thụ độ ẩm tốt và giúp giảm ma sát, giúp da trở nên trơn láng và mịn màng. Về mặt hóa học, Talc là một silicat magiê hydrat có công thức hóa học là Mg3Si4O10 (OH) 2.Do đó, nó được sử dụng là thành phần chính cấu tạo nên phấn rôm em bé và một số mỹ phẩm trang điểm cho phụ nữ.
Mẹ có biết từ năm 1960, đã có các tài liệu khoa học được xuất bản đề cập đến việc sử dụng bột Talc và tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng. Tại sao từ những năm 1960 đã có rất nhiều nghi vấn về bột Talc nhiễm amiang và là nguyên nhân gây ung thư buồng trứng thì mãi đến 1-2 năm gần đây, chúng ta mới được tuyên truyền và nhận thức rõ ràng về bột Talc?.Chưa hết, đã có một số trường hợp trẻ em bị chết vì nghẹn bột trong phấn rôm em bé vào đầu những năm 1960, và kể từ năm 1981, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ ( Amerian Academy of Pediatrics) đã có lập trường mạnh mẽ chống lại việc sử dụng bột Talc cho trẻ sơ sinh và trẻ em, họ cho rằng nó nguy hiểm và không có bất cứ một giá trị y học nào. Đã có hơn 6.600 vụ kiện phấn rôm em bé đã được đệ trình chống lại Johnson & Johnson. Những vụ kiện này được đệ trình chủ yếu thay mặt cho những phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng. Họ tuyên bố họ bị ung thư từ nhiều năm sử dụng Talc trên bộ phận sinh dục của họ. Vào tháng 8 năm 2017, bồi thẩm đoàn ở Los Angeles (Mỹ) đã yêu cầu Johnson & Johnson bồi thường thiệt hại 417 triệu đô la cho một nhân viên y tế bị ung thư buồng trứng sau nhiều năm sử dụng phấn rôm em bé của hãng ở vùng sinh dục. Đó là Eva Echeverra, 63 tuổi, ở Đông Los Angerles là một trong số hàng ngàn người phụ nữ đã kiện hãng sản xuất tiêu dùng khổng lồ Johnson & Johnson. Mặc dù chỉ có một vài vụ kiện được xét xử nhưng hầu hết các phán quyết của tòa án đều yêu cầu phía công ty bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.
Tạm dịch: Nghiên cứu đầu tiên về mối quan hệ của bột Talc và ung thư buồng trứng được tiến hành bởi bác sĩ Dr. WJ Henderson. Năm 1982, một nghiên cứu khác được tiến hành bởi bác sĩ Dr. Daniel Cramer đã cho thấy nguy cơ gia tăng ung thư buồng trứng lên đến 92% đối với phụ nữ sử dụng phấn rôm ở bộ phận sinh dục. Nghiên cứu năm 1992 của Dr. Bernard Harlow từ Harvard cũng cho thấy những lý do không nên sử dụng phấn rôm ở bộ phận sinh dục Năm 2006, nghiên cứu được xuất bản bởi Cơ quan nghiên cứu ung thư Quốc tế- thuộc WHO chỉ ra việc sử dụng talc ở vùng tầng sinh môn là nguyên nhân gây ung thư ở người.
Mới đây nhất có lẽ là tin gây sốc về hãng J&J được đăng trên tờ Reuters tiết lộ về bí mật về các sản phẩm chứa bột Talc của hãng ( tiêu biểu là phấn rôm em bé) vào ngày 14/12/2018. Trong đó, Reuter viết rằng bí mật này được ghi chép vào ngày 3 tháng 3 năm 1975 của một giám đốc nghiên cứu ứng dụng J&J trong đó ghi chép về việc J&J che đậy sản phẩm có bột Talc nhiễm amiang , đồng thời J&J đã thực hiện một nghiên cứu về bột Talc được khai thác ở Ý trên 1.992 công nhân tham gia khai thác bột Talc- họ đã chi tiền cho nghiên cứu, nói với các nhà nghiên cứu kết quả mà họ mong muốn và thuê những nhà văn ma viết về chúng. Trong bản ghi chép này cũng đề cập đến việc một công ty con của hãng J&J (J&J’s Windsor Minerals Inc )- một trong nhiều nhà khai thác mỏ đã tham gia vào quá trình nghiên cứu nói trên, công ty con này có mối quan hệ chặt chẽ với U.S. National Institute of Occupational Safety and Health researchers – Viện nghiên cứu sức khỏe và an toàn lao động Hoa Kỳ nhằm mục đích che đậy các kết quả trung thực của nghiên cứu trên.
Ngoài J&J, còn có rất nhiều hãng sản xuất các sản phẩm cho trẻ em chứa bột Talc hay những hóa chất độc hại khác mà chưa được xuất hiện trên các mặt báo, vậy thì cách đơn giản nhất là chính chúng ta- các bà mẹ hãy đọc kĩ thành phần của những sản phẩm được sử dụng trên cơ thể con để bảo vệ con và chính cuộc sống của chúng ta.
VẬY NÊN DÙNG GÌ?
Mỗi ngày, chúng ta phải đối diện với rất nhiều thứ độc hại như thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm thì giờ, đến cả phấn rôm cũng phải tránh. Một số người cho rằng, ung thư là căn bệnh “trời kêu ai nấy dạ”, có người cả đời hút thuốc, uống rượu,bia vẫn khỏe mạnh, có người không dùng những thứ ấy mà lại bị ung thư phổi, ung thư gan. Nhưng cho dù là như thế, chúng ta vẫn phải cố gắng né tránh những tác nhân- được chứng minh về khoa học và cả thực tế có khả năng gây ung thư.
Vậy mẹ nên dùng gì thay phấn rôm cho trẻ?. Từ bé đến giờ, mình không dùng phấn rôm cho Chi Chi mà con không hề gặp vấn đề gì về da. Từ lúc sinh ra, mỗi ngày, mình thay đồ cho con 2-3 lần (buổi sáng sau khi thức dậy, buổi trưa đi tắm và buổi tối trước khi đi ngủ) vì Chi Chi sinh vào mùa hè, ở miền Trung nên khí hậu nắng nóng, mô hôi ra rất nhiều.
Trẻ sơ sinh đi lẹt xẹt trong ngày nhiều lần, nên mẹ cố gắng thay tả cho con thường xuyên, không nên đợi tả đầy rồi mới thay, chỉ cần con đi nặng là nên thay ngay, tránh để vùng kín của con bị nhiễm khuẩn ngược trở lại. Mẹ cố gắng mặc tả vải, hay quần vào những lúc con thức chơi, để vùng da mông, bẹn của con được khô thoáng, thoải mái. Trước khi mặc tả, mình dùng khăn sữa nhúng nước ấm, lau nhẹ nhàng vùng mông của con (không dùng khăn ướt, vì khăn ướt chứa đầy các chất độc hại như paraben, hương liệu tổng hợp…), cho 2-3 giọt dầu massage vào lòng bàn tay rồi thoa lên da con, đợi khoảng 15 phút rồi mặc tã.
Trẻ sơ sinh hay gặp phải trường hợp bị mẩn đỏ ở vùng da cổ, ngấn tay, ngấn chân vì bé ít vận động, phải nằm một chỗ, hay mũn mĩn nên độ ma sát cao. Trường hợp này, các bạn có thể dùng dầu argan, dầu jojoba, dầu cúc chamomile… (đây là những loại dầu nhẹ, thấm nhanh, không nhờn rít, kháng viêm, kháng khuẩn cho da- tốt nhất nên chọn loại dầu hữu cơ có chứng nhận pháp nhân quốc tế) massage nhẹ nhàng lên toàn thân con (các bài mát xa cho trẻ, mẹ tìm trên youtube có rất nhiều), rồi tắm lại với nước ấm hoặc nước trà xanh.